Đánh giá Laptop DELL Vostro V13 - Kỳ 1

Hà Việt vừa có mẫu máy mới DELL Vostro V13 SU7300 và DELL Vostro V13 SU3500, mình rất có ấn tượng tuy mới chỉ nhìn qua bề ngoài, cầm thử và thông số kèm theo. Đây là bài viết khá chi tiết về dòng máy này của DELL do mình sưu tầm, mọi người tham khảo nhé.


Dell Vostro V13 được tung ra hướng đến một phân khúc thị trường chủ lực của Dell, đối tượng doanh nhân hoạt động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thừa hưởng những tố chất đặc trưng của dòng laptop Dell Adamo, Vostro V13 vẫn giữ nguyên thiết kế mỏng – nhẹ cùng vẻ bề ngoài đầy mê hoặc nhưng lại được cải tiến rất nhiều chi tiết “đắt giá”. Chính những điểm cải tiến này khiến những ấn tượng của tôi với Dell Vostro V13 là thú vị và hấp dẫn hơn nhiều so với khi trải nghiệm Adamo.
Nội dung bài viết:

Kỳ 1
1. Định vị sản phẩm.
2. Cấu hình và các tùy chọn nâng cao.
3. Thiết kế tổng quan.
4. Bàn phím và touchpad.


Kỳ 2
5. Màn hình | Loa | Các kết nối không dây.
6. Pin và thời gian sử dụng máy | Nhiệt độ và độ ồn.
7. Thử nghiệm hiệu năng thực thi.
8. Kết luận.


1. Định vị sản phẩm.


Vostro là dòng sản phẩm dành cho đối tượng doanh nhân trong những công ty vừa và nhỏ theo đúng chiến lược phân bổ dòng sản phẩm của Dell. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, Vostro được biết đến như một dòng máy tính bền, giá rẻ, cấu hình cao nhưng lại có khuyết điểm là dáng máy lại quá cục mịch và không thực sự thích hợp cho những ai ưa thích sự cầu kỳ trong thiết kế.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, bộ phận thiết kế của Dell đã bỏ ra khá nhiều công sức để cải thiện hình ảnh của Vostro nói riêng và các máy Dell nói chung trong mắt người dùng. Kết quả là bề ngoài của Vostro ưa nhìn hơn nhưng với tôi, như thế vẫn chưa đủ.

Nếu như trước đây, các máy laptop dành cho doanh nhân cần phải đảm bảo các yếu tố bền, tính bảo mật cao, khả năng bảo vệ dữ liệu hoàn hảo, chế độ hậu mãi và hỗ trợ kỹ thuật tốt… Còn tại thời điểm hiện tại, ngoài những yếu tố kể trên, xu hướng tiêu dùng và thiết kế cho thấy tính thẩm mỹ, mỏng-gọn-nhẹ là những tiêu chí đang rất được ưa chuộng. Dell Vostro V13 là sự kết hợp hài hòa giữa 2 xu hướng tiêu chí trên.

Nhìn tổng quan thị trường laptop hiện nay, thật khó để tìm kiếm một đối thủ vừa mỏng-nhẹ, thiết kế đẹp, giá rẻ, cấu hình đủ dùng giành cho giới doanh nhân để so sánh với Dell Vostro V13.


2. Cấu hình và các tùy chọn nâng cao.

Tại thị trường Mỹ, Dell Vostro V13 có giá khởi điểm chỉ từ 450USD cho phiên bản dùng CPU Celeron M ULV 743 (1MB cache, 1.3GHz, FSB 800MHz) đi kèm với hệ điều hành Linux. Phiên bản cao cấp nhất sử dụng CPU Intel ULV SU7300 (tốc độ 1.3GHz, 3MB cache).

Tất cả các phiên bản xây dựng sẵn đều được trang bị 2GB RAM DDR3 bus 1066MHz (tối đa 4GB, cộng thêm 175USD … ặc ặc), ổ cứng từ 250GB cho đến 320GB (tốc độ 7200rpm, tối đa 500GB, cộng thêm 77USD). Bạn cũng có thể mua thêm ổ đọc DVD RW 8x gắn ngoài vì bản thân Dell Vostro V13 không được trang bị ổ đĩa quang, mức phí cộng thêm là 90USD cho tùy chọn này.

Cấu hình cao nhất với chế độ bảo hành 3 năm, không đi kèm các phần mềm, sẽ tiêu tốn của bạn khoảng 1.261USD (build cấu hình Dell Vostro V13).



Ngoài ra, một phiên bản khác sử dụng CPU SU3500 (dòng máy Hà Việt đang bán) và có dung lượng ổ cứng thấp hơn cũng sẽ được bán tại Việt Nam.


3. Thiết kế tổng quan.

Dell VostroV13 được thiết kế với toàn bộ phần vỏ ngoài được gia công bằng nguyên liệu nhôm. Nhưng khác với các model laptop cao cấp như Macbook Pro, Macbook Air hay Dell Adamo có phần vỏ được cắt từ nhôm khối, Dell chọn một giải pháp truyền thống và ít tốn kém hơn cho Vostro V13: Chọn phần vỏ nhựa cứng bên trong và “ốp” các phiến nhôm được dập rời cho phần khung ngoài.



Dù vậy, xét về chất lượng thiết kế, độ cứng cáp của toàn bộ khung-vỏ Vostro V13 thì nó không hề thua kém các model cao cấp khác. Các mối ghép được gắn chắc chắn và tỉ mỉ, phần khung bảo vệ màn hình cũng được chăm chút. Nếu thử lấy tay ấn nhẹ vào sau màn hình của Vostro V13 khi đang hoạt động, bạn sẽ không nhận ra sự biến dạng của panel LCD mặc dù độ dày của màn hình chỉ khoảng 3mm. Các model máy trong cùng tầm giá thường cho kết quả ngược lại.

Sự cứng cáp của Vostro V13 là điểm gây ấn tượng nhất với tôi khi đề cập đến thiết kế tổng quan máy, chúng ta sẽ tiếp tục với các chi tiết khác.


Như đã nói ở phần đầu bài, Dell Vostro V13 có thiết kế thừa hưởng đáng kể từ Dell Adamo. Các cổng giao tiếp bao gồm 1 cổng LAN RJ45, 1 cổng eSATA/USB combo, 1 cổng USB, 1 cổng xuất D-Sub và giắc cắm nguồn được dời ra phía gáy máy.

Ngoài ra, Dell Vostro V13 cũng được trang bị đầu đọc thẻ nhớ và khe cắm ExpressCard bên cạnh phải của máy cũng như 2 giắc 3.5 ly cho tai nghe-mic ở cạnh trước.


Phần vỏ màu trắng bạc tương phản rõ rệt với phần thân đen bên trong cùng các đường vạt góc cứng cáp tạo cho Dell Vostro V13 một vẻ ngoài rất thu hút, mỏng và trông vẫn đắt tiền. Với độ dày chỉ 16.5mm cùng trọng lượng 1.6Kg, Vostro V13 có thể so sánh được với các netbook về khả năng linh động trong khi hiệu năng cao hơn đáng kể.


4. Bàn phím và touchpad.

Bàn phím trên Dell Vostro V13 có kích thước tiêu chuẩn. Kích thước của các phím là 19mm (cạnh bề mặt tiếp xúc 16mm), các đường viền lõm có độ rộng 1.5mm tạo nên các rãnh phân cách các phím với nhau. Thiết kế này giúp bạn hạn chế việc gõ sai cũng như hỗ trợ bạn định vị các phím tốt hơn.

Layout phím không có gì đặc biệt. Phím Enter lớn đặt cạnh dãy phím Home, Pageup, Page down, End bên cạnh phải. Các phím chức năng như tăng giảm độ sáng màn hình, loa, sleep, xuất tín hiệu ra màn hình ngoài, v.v… đều được kích hoạt khi nhấn phối hợp với phím Fn.

Cảm giác gõ phím tốt, phím nhạy, nhẹ, độ nẩy vừa phải và tạo nên các tiếng tanh tách gần như khi gõ các phím cơ truyền thống. Bàn phím vẫn bị flex khi bạn ấn quá mạnh nhưng khi với nhịp gõ bình thường sẽ không đem lại điều gì gây khó chịu. Các phím có kích thước lớn như Enter hoặc Space bar tạo tiếng ồn lớn hơn một chút khi gõ nhưng cảm giác gõ khá “cân” ở mọi vị trí trên phím.


Touchpad có kích thước khá lớn với một đường viền bằng nhựa bóng quanh mép để phân biệt với phần thềm nghỉ. Bề mặt được gia công tốt, hơi nhám một chút nhưng khi di không bị cảm giác rít dù ngón tay bị ẩm. Cảm ứng di chuyển ngón tay rất tốt nhưng thao tác gõ ngón trên mặt touchpad không nhạy lắm, cần nhiều lực gõ để touchpad có thể xác nhận lệnh. Vì thế, khi click hoặc quét khối có thể bạn sẽ gặp đôi chút phiều phức.

Touchpad của Dell Vostro V13 cũng hỗ trợ multi-touch với các thao tác như cuộn chuột hoặc zoom. Hai phím chuột bên dưới là dạng phím cơ học, mềm và không cần nhiều lực để gõ hoặc giữ phím. Tôi thích loại phím này hơn các phím cứng của Dell Adamo.

(còn tiếp)

0 Response to "Đánh giá Laptop DELL Vostro V13 - Kỳ 1"

Đăng nhận xét