Những điều nên biết thêm khi chọn mua ổ cứng gắn ngoài

Kể từ cuối năm 2008 đến nay chỉ mới hơn 1 năm nhưng thị trường ổ cứng gắn ngoài (ổ cứng di động, ổ cứng mở rộng) đã trở nên cực kỳ phong phú với nhiều nhãn hiệu của nhiều nhà sản xuất, giá cả cũng khác nhau và theo khuynh hướng ngày càng rẻ, dung lượng lưu trữ thì lớn hơn... Vì vậy, bài này xin “cập nhật” thêm các thông tin về ổ cứng gắn ngoài để phục vụ các bạn đang cần chọn mua.


Những loại đĩa cứng gắn ngoài
Nhìn chung, dòng sản phẩm này có hai loại chính: Loại desktop với kích thước 3.5 inch và phải nhờ adapter cấp điện thì mới dùng được. Kiểu desktop do có thiết kế to và rườm rà như vậy nên chỉ thích hợp khi dùng ở một nơi cố định tại nhà hay tại văn phòng chứ không phù hợp lắm khi cần sử dụng di động. Loại notebook (còn gọi là aka pocket) với kích thước 2.5 inch hoặc 1.8 inch và thường được cấp điện thông qua cáp kết nối với máy tính chứ không dùng adapter riêng. Một ổ đĩa với khổ 2.5 hoặc 1.8 inch có thể vừa vặn khi đặt trong túi áo hoặc quần của bạn.

Xét về dung lượng, loại desktop hiện nay có thể có các mức 2 Terabyte (TB) hoặc 4 TB (1 TB=1024 GB) còn loại notebook cũng đạt ngưỡng 1 TB, tuy nhiên trên thị trường loại 640 GB hoặc 500 GB phổ biến hơn.

Đặc biệt mới xuất hiện gần đây trong chợ công nghệ, người ta thấy có loại ổ cứng gắn ngoài SSD (Solid-State Drive), là một thiết bị lưu trữ dữ liệu tương tự như ổ cứng, nhưng chúng không có các cơ cấu cơ khí truyền động. SSD thường sử dụng các loại bộ nhớ SRAM hoặc DRAM để lưu trữ dữ liệu nhưng không bị mất dữ liệu khi nguồn điện cung cấp cho chúng làm việc bị ngắt (còn gọi là thiết bị nhớ kiểu non-volatile). Chúng thường sử dụng các loại chip nhớ NAND flash. SSD thường được sử dụng trong các thiết bị nhỏ như PDA, điện thoại thông minh, một số netbook và có nhiều ưu điểm vượt trội hơn ổ cứng thường, nhưng giá thành của nó cũng cao hơn gấp từ 3 - 6 lần. Nhưng hy vọng với giá thành ngày càng giảm, rồi đây năm 2010 sẽ có những laptop sử dụng SSD với giá cả chấp nhận được. Điều này sẽ thật tuyệt vời vì bạn có thể cảm nhận được tốc độ đọc ghi của nó (lên đến 1 Gbps). Dung lượng của ổ cứng SSD hiện nay có các loại từ 64 GB đến 256 GB. Tuy nhiên, sẽ thật lãng phí nếu bạn dùng SSD để giao tiếp với máy tính thông qua cổng USB chuẩn 2.0, bởi vì tốc độ truyền dữ liệu của nó sẽ bị hạn chế. Bạn cũng cần chú ý rằng đĩa cứng SSD gắn trong sẽ an toàn hơn loại gắn ngoài. Nếu bạn mua nhằm ổ cứng SSD gắn ngoài không có khả năng chống sốc thì khi gắn vào cổng USB 2.0 sẽ rất nguy hiểm cho ổ đĩa, tốt nhất bạn nên dùng giao tiếp eSATA khi kết nối.

Chuẩn kết nối
Hiện tại, đa số các ổ cứng gắn ngoài giao tiếp với máy tính thông qua cổng USB 2.0, tiếp theo, ít hơn, là các kiểu kết nối FireWire (400 và 800), eSATA, iSCSI, wireless USB. Lưu ý là iSCSI sử dụng cáp Ethernet, khác với các công nghệ SAN hoặc NAS, và được dùng để kết nối nhiều ổ cứng với nhiều máy tính. Wireless USB và iSCSI là hai dạng thuộc loại hiếm, Wireless USB mới chỉ xuất hiện từ năm 2009, còn iSCSI chỉ chủ yếu dùng cho cấp chuyên nghiệp như Drobo Pro.
Mỗi ổ cứng gắn ngoài có tối thiểu một cổng USB và trên lý thuyết, chuẩn USB 2.0 có thông lượng 480 Mbps. Nhìn bề ngoài, cổng FireWire (FW) có tốc độ nhanh hơn với hai mức 400 Mbps và 800 Mbps, FW400 và FW800 có tín hiệu tương thích với nhau (có thể dùng chung cổng), nhưng chúng lại có đầu cáp nối khác nhau. FW có thể kết nối thành một chuỗi nhiều ổ đĩa hay thiết bị thông qua một cổng FW khi bạn kết nối chúng với nhau trước. Loại giao tiếp nhanh nhất kể đến lúc này là eSATA với thông lượng về mặt lý thuyết lên đến 3 Gbps. Thật tiếc, trong khi tốc độ truyền nhanh như vậy thì eSATA lại không thể tự cấp điện cho nó thông qua cáp nối mà cần một cáp USB phụ kèm theo để cấp điện, hoặc một adapter phù hợp. Hiện tại, ổ cứng có giao tiếp eSATA cũng là loại đắt tiền nhất. 

Hiện nay, chuẩn USB 3.0 được hứa hẹn là có thông lượng còn cao hơn cả eSATA, tuy nhiên nó vẫn còn trong giai đoạn “sơ sinh” và tối thiểu đến cuối năm 2010 mới đến được với tay người tiêu dùng. Chuẩn USB 3.0 tương thích ngược với chuẩn USB 2.0 (tức là thiết bị có thể kết nối với cổng USB 2.0 nhưng thông lượng truyền của dữ liệu sẽ bị giảm đi). Bạn có thể tìm mua loại ổ đĩa có nhiều loại cổng giao tiếp (thậm chí là 3 cổng: USB 2.0, FireWire 800 và eSATA) mặc dù mỗi lần chỉ được kết nối một cổng duy nhất với một máy tính duy nhất, tức là bạn sẽ phải bỏ ra thêm chi phí và sự rắc rối do một ổ đĩa nhiều cổng mang lại.

Tốc độ đĩa cứng gắn ngoài
Đây là vấn đề rất quan trọng liên quan đến hiệu suất công việc, nhưng trong thực tế nhiều người chỉ quan tâm đến dung lượng ổ đĩa khi mua mà bỏ qua tiêu chí này. Loại ổ đĩa quay 7.200 vòng/phút trên thực tế sẽ làm việc nhanh hơn loại chỉ quay 5.400 vòng/phút. Bạn sẽ chỉ có thể thấy sự cải thiện về thông lượng nếu ổ đĩa được kết nối trực tiếp với máy tính qua mainboard hoặc với một cáp eSATA. Ngoài ra, việc dùng cáp USB 2.0 hoặc FireWire đều không đủ nhanh so với cơ chế truy xuất 5.400 vòng/phút của đĩa cứng gắn ngoài. Với loại ổ SSD hoặc loại ổ đĩa 10.000 vòng/phút, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận tốc độ làm việc “bứt phá” của nó.

Những điểm quan trọng khác
Yếu tố thời trang cũng khá cần thiết, một thiết bị với kiểu dáng và màu sắc sang trọng sẽ khẳng định phong cách của bạn khi làm việc. May thay, các nhà sản xuất hiện nay đã chú ý đến yếu tố này nên việc chọn lựa kiểu dáng không còn quá khó đối với người yêu thích vẻ đẹp. Bạn cũng nên sắm thêm cho ổ cứng gắn ngoài của mình các ứng dụng bảo mật, phần mềm đồng bộ dữ liệu, backup dữ liệu, chặn virus... ngay từ đầu để dữ liệu của bạn được an toàn nếu lỡ ổ cứng bị thất lạc.

Cuối cùng, tiêu chí bảo hành cũng không kém phần quan trọng. Bạn đừng tiếc bỏ tiền ra mua một sản phẩm uy tín có bảo hành chính hãng từ 3 đến 5 năm. Nếu đến với những cửa hàng không uy tín, thời gian bảo hành từ vài tháng đến 1 năm cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc, bạn sẽ có ngày phải “khóc hận” vì dữ liệu của mình ra đi không lời từ biệt, mà chẳng biết níu áo bắt đền ai !

Theo LBVMVT

0 Response to "Những điều nên biết thêm khi chọn mua ổ cứng gắn ngoài"

Đăng nhận xét